Theo Tiến sĩ Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, trường hợp muốn sinh con từ tinh trùng người cha đã mất không có khó khăn về mặt kỹ thuật.
Ngày 9/12 vừa qua, hai bé trai sinh đôi đã chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người cha chết cách đây 3 năm. Đây là ca sinh đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp này, do Tiến sĩ Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội thực hiện.
Theo lời kể của TS Vệ, hơn 3 năm trước (tháng 3/2010), ông nhận được điện thoại của chị Kim Dung, 33 tuổi, ở Hoàng Mai (Hà Nội) muốn trữ tinh trùng của chồng, khi đó anh khoảng 27 tuổi, đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Ngay lập tức, ông cùng đồng nghiệp đến nhà xác Bệnh viện huyện Thanh Trì mở bìu lấy tinh hoàn phải. Sau đó ông đem cắt thành 14 mẫu mô, kiểm tra thấy tinh trùng vẫn sống sau khi người chồng chị Dung mất 6 giờ nên bỏ vào nơi đông lạnh để lưu trữ.
|
Hai bé con nhà chị Dung được sinh ra theo phương pháp "tinh trùng đông lạnh". |
Khi con gái đầu đã lớn, đầu năm 2013, chị Dung đã mạnh dạn đi thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng đông lạnh của người chồng quá cố. Các bác sĩ tiêm thuốc kích trứng, sau đó lấy trứng thụ tinh với tinh trùng thành phôi chuyển vào tử cung chị. Ba tháng đầu có thai, chị được theo dõi tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, thời gian sau tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Theo TS Vệ, trường hợp sinh con của người mẹ này về mặt kỹ thuật không có gì khó khăn. Tuy nhiên, đây là ca đặc biệt hy hữu, lần đầu tiên tại Việt Nam có trẻ được sinh ra nhờ tinh trùng được lấy từ người cha đã chết trước đó 3 năm. Tỷ lệ thành công của phương pháp sinh như thế này chỉ đạt 30%.
“Một lần đạt kết quả ngay như chị Dung rất ít và do may mắn”, TS Vệ phấn khởi.
Để khẳng định thành tựu y học này là có thật, bệnh viện đã tự bỏ tiền làm xét nghiệm ADN của mẹ, hai bé trai và của người chồng đã chết và kết luận: “Đây là con của 2 vợ chồng anh chị”, TS Vệ khẳng định.
Còn theo một bác sĩ sản sản khoa lâu năm tại Hà Nội, về mặt khoa học, một người đã mất 6 tiếng, nhất là được bảo quản lạnh thì tinh trùng vẫn có thể sống. Kỹ thuật hiện tại của y học Việt Nam thì có thể làm được những ca sinh nở như thế.
TS Vệ cũng cho biết thêm, trên thế giới từ lâu đã có những ngân hàng tinh trùng. Thực tế đã có những em bé được ra đời từ tinh trùng đông lạnh 15 năm. Ở Việt Nam cũng có nhiều bệnh viện có ngân hàng này. Đây là nơi lưu giữ tinh trùng của những người gửi và hiến tinh trùng trong những trường hợp: người đi công tác xa, người sang nước ngoài, người chuẩn bị làm việc trong những môi trường nguy hiểm, nhiều hóa chất, người chuẩn bị điều trị ung thư, người bị tai nạn liệt nửa người... Sau khi làm các xét nghiệm, nếu đủ các điều kiện, bệnh viện sẽ đồng ý lấy mẫu tinh trùng. Sau đó, mẫu tinh trùng sẽ được đưa đi đông lạnh trong nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C. Một mẫu tinh trùng như vậy có thể sử dụng tốt sau nhiều năm lưu giữ, thậm chí là vài chục năm. Và trên thực tế, hình thức lưu giữ tinh trùng này cũng đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều cặp vợ chồng.
Theo quy định người cung cấp mẫu đều được xét nghiệm HIV, viêm gan, giang mai, đặc biệt là xét nghiệm nhiễm sắc thể, phải đảm bảo điều kiện dưới 40 tuổi, đã có con, gia đình 3 đời không mắc bệnh di truyền. Trên nguyên tắc, mỗi người chỉ được hiến một lần và đảm bảo giữ kín thông tin về cá nhân. Khi dùng, tinh trùng được lọc rửa, sau đó bơm vào buồng tử cung người vợ. Phụ nữ bị tắc vòi trứng có thể sử dụng nguồn tinh trùng này để thụ tinh trong ống nghiệm.