Chọn Menu

Slider

FunFeed

Feed Mới Nhất

Cung Hoàng Đạo

CrazyFeed

Slider

Videos

Thực tình là Quang không muốn nhìn thấy Thoa lúc này. Không muốn nhìn thấy cái thực thể phô diễn khía cạnh thô tục của người đàn bà. Không muốn thấy cái biến dị về phía xấu xí ở người nữ chủ nhân này. Người thiếu phụ này, trớ trêu thay, với Quang là một vẻ đẹp tươi mởn, mặn mà đã in dấu trong ký ức và hoài niệm Quang.

Thế này thì dứt khoát là sẽ nổ ra một trận lôi đình rồi! Thế này thì chắc chắn là chỉ chốc lát nữa thôi, ở căn nhà này, sẽ bùng nổ một cơn giận dữ không đổ quán xiêu đình, thì cũng ầm ĩ tan nát cửa nhà! Quang nghĩ ngay tới điều hung hiểm buồn lo đến thắt tim nọ, kể từ lúc nghe tiếng Thoa, nữ chủ nhân của căn nhà, cất tiếng gọi cổng bẳn gắt và sau đó là tiếng giày cao gót của chị nện cồng cộc dồn dập trên cầu thang gỗ ở tầng hai.

Và cùng với nó là tiếng gằn hậm hực với câu nói quen thuộc cửa miệng: "Thế này thì thật là không thể chịu đựng được nữa rồi!". Rồi sau đó là tiếng chị gọi giật đùng đùng đứa con gái mười hai tuổi đang học bài ở trong buồng: "Trang, thằng Hoàng nó đi đâu mà đến giờ chưa về, hả?".
Kinh nghiệm đã được đúc kết: Một khi người thiếu phụ trẻ này không thể chịu đựng được nữa thì có nghĩa là cân bằng sẽ bị phá vỡ, cơn tức giận sẽ như giọt nước cuối cùng tràn khỏi li. Mà buồn thay, tất cả chỉ là do thằng Hoàng, vì thằng Hoàng, thằng Hoàng con trai lớn của chị.

Mười lăm tuổi, cao lều nghều một mét bảy mươi, lắt lay như một ngọn cỏ dại, thằng Hoàng là một nhân cách chưa hình thành, một đứa con trai lồng hổng từ tuổi nhi đồng.

Đi học thì không thuộc bài, không làm bài. Trong lớp thì đứng đầu bảng về mất trật tự. Thường xuyên trốn tiết để đi chơi điện tử. Lười biếng. Cẩu thả. Vô lễ. Bướng bỉnh và nói dối. Mẹ mắng mỏ, thầy quở phạt bao lần rồi mà tính nào tính ấy vẫn cứ trơ trơ, vẫn cứ như nước đổ đầu vịt, đá ném ao bèo.

Thằng Hoàng học kém toàn diện. Lớp chín rồi mà quy tắc tam xuất còn quên. Bảng cửu chương không thuộc. Chữ viết như gà bới. Ngọng elờ và enờ. Thằng Hoàng suốt từ lớp bảy đến lớp chín toàn đứng bét lớp. Thằng Hoàng không hè nào không phải học thêm để thi lại hai môn Toán và Văn, rồi sau đó, mẹ nó năm lần bảy lượt đến gặp thầy cùng là quà cáp, phong bì là nước mắt ngắn dài, rằng thì là tôi mẹ góa con côi không dạy được cháu, mong thầy thông cảm cho, mới được lên lớp.

Thằng Hoàng thiếu ý chí, không có lòng tự trọng. Thằng Hoàng dòng giống con nhà hạ tiện, vô giáo dục, chứ không phải là con nhà gia phong nền nếp, mẹ là một phụ nữ quyền quý, kế toán trưởng một công ty. Thằng Hoàng làm khổ làm tủi nhục mẹ!

Thế này thì thật là không thể chịu đựng được nữa thật rồi! Vì người thiếu phụ trẻ sau khi gằn gọc một lần nữa câu nói nọ và vứt bịch cái túi xách tay vào buồng ngủ của mình, đã vừa nện cồng cộc gót giày tức tối đi xuống tầng một vừa thét gọi đứa con gái tên Trang, rằng mày mau mau đi tìm thằng Hoàng về đây cho tao không thì nó chết với tao. Chị thét to, như cố tình để Quang nghe thấy, vì giận dữ cần được khuếch đại lên, đó cũng là một cách giải tỏa hay sao?

Quả nhiên, Quang đã phải buông bút, bỏ dở bài phóng sự, thở ra nhè nhẹ và đứng dậy bước ra khỏi phòng. Không chỉ là một ngòi bút sắc sảo, Quang còn là một tâm hồn nhạy cảm, hay xót xa mủi lòng. Đi bộ đội mười lăm năm, xuất ngũ rồi mới được trở về nghề làm báo, ở thành phố này, lẽ ra Quang có thể ở cùng nhà với vợ chồng anh chị mình, vì đó là ngôi nhà cha mẹ Quang để lại cho hai anh em. Nhưng rồi cuối cùng Quang đã phải dọn đi.

Đó là bởi vì cái thói ganh ghét nhỏ nhen, cái ý muốn độc chiếm ngấm ngầm độc ác của ông anh trai và chị dâu vốn là cái thói ích kỷ thâm canh cố đế không sửa chữa được của con người. Mà họ đâu có phải vì nghèo. Trái lại, họ rất giàu. Ông anh có hai ôtô cho thuê. Bà vợ có cửa hàng lớn ở chợ. Nhưng cả hai cùng lũ con trai lộc ngộc năm đứa mất dạy về hùa với bố mẹ, coi Quang như người dưng bỗng nhiên được hưởng lộc, chiếm đoạt mất nửa ngôi nhà bất động sản giá trị tới hơn ba tỉ đồng của họ. Và thế là không còn thiếu một hành vi bỉ ổi nào. Kể từ cạnh khóe, chửi bới, gây khó và vu khống, đe dọa Quang.

Buồn cho thế thái nhân tình, Quang đành ngậm ngùi ra đi. Quang không thể sống chung với cái xấu xa hỗn độn. Quang yêu cách sống hài hòa êm ả. Và được người bạn giới thiệu, Quang đến thuê một căn buồng trong căn nhà này của Thoa. Căn nhà to vật vã. Bốn tầng nguy nga và một cái sân thượng. Nó là kết quả tích cóp dành dụm của vợ chồng Thoa.

Một người là kế toán trưởng, một nghề nghiệp dễ kiếm tiền hơn nhiều nghề khác. Một là cán bộ của Sở Kế hoạch đầu tư, dẫu liêm chính cũng không ít bổng lộc. Tiếc thay, tòa biệt thự xây xong thì người chồng đột tử. Nay, tầng bốn để dành riêng là nơi thờ phụng tổ tiên và người chồng. Còn tầng ba với hơn năm mươi mét vuông là nơi Quang sở hữu trong vai khách trọ.

Giờ thì một năm đã trôi qua. Và trước lạ sau quen, Quang từ một người dưng đã có lúc trở nên một thành phần trong những buồn vui của cái gia đình nho nhỏ có ba mẹ con này. Ba mẹ con sống khá sung túc. Đứa con gái tên Trang xinh xắn giống mẹ, học khá, toàn đứng đầu lớp và rất ngoan. Thoa là một người đàn bà đẹp, vào tuổi ba mươi lăm nhan sắc càng lúc càng nồng ngấu, nhưng tính tình rất khác thường.

Nó rất giống kiểu người phụ nữ xuất thân trung lưu nhưng sớm va chạm nơi thương trường, không thuần nhất. Nhiều lúc chị rất khảnh, rất đài, quý phái và ngây thơ, nhưng cũng không ít khi chị chất phác, thông tục, sỗ sàng, tai ngược và nhất là hay tự ái cay cú, và thình lình nổi những cơn giận dữ ghê người. Chỉ có người đàn ông nào giàu lòng vị tha mới có thể yêu người đàn bà khó chiều này. Chị khao khát cái tuyệt đỉnh. Và do vậy, nỗi căm uất của chị dồn hết vào đứa con trai, thằng Hoàng, một tuổi thiếu niên lêu lổng chưa có ý thức gì về sự tu dưỡng, tập rèn. Nó làm bẽ mặt chị. Vì nó khiến chị thấy mình thua chị kém em. Nó làm chị tủi nhục. Nó làm chị nổi cơn tự ái uất tức. Và đó là điều tối kỵ!

"Năm nay mày mà không thi đỗ vào lớp mười trường chuyên là mày làm nhục tao thì tao đập chết không tiếc!". Trời, nghe Thoa đe thằng Hoàng thế mà bỗng dưng Quang lo cho nó. Quang bỗng dưng như kẻ mua dây buộc mình lo cho nó. Vì rõ ràng, thằng Hoàng đang đứng trước những thử thách rất nặng nề. Sức học nó kém cỏi như thế mà sắp tới nó phải qua hai kỳ khảo hạch rất khắc nghiệt. Một là thi tốt nghiệp lớp 9. Hai là thi vào lớp 11 nhà trường trung học phổ thông chuyên dành cho những học trò có thành tích xuất sắc. Quang lo cho nó trong tư cách một tâm hồn dễ thương cảm, sẻ chia. Vậy mà nó có biết lo đâu. Nó vẫn nhơn nhơn chứng nào tật ấy, vẫn lười biếng, ham chơi, hư đốn như mọi khi.

Hôm nay thì tình thế đã đến mức thật là không thể chịu đựng được nữa. Cơn uất giận của mẹ nó đã lên tới đỉnh điểm rồi. Ấy là vì mẹ nó sáng hôm nay bị ban giám hiệu gọi đến trường, cảnh báo cho biết, sức học thằng Hoàng đã chẳng nhúc nhích được tẹo nào, nó vẫn đội sổ, thua cả những đứa con nhà bình dân bán sức lao động, đã thế gần đây nó lại chơi bời, giao du với mấy thằng học trò cũ bị đuổi học vốn là những đứa nghiện ma túy!

Quả nhiên, Quang vừa theo cầu thang đi xuống tới tầng hai thì gặp cái Trang đang chạy ngược lên. Gương mặt tròn trịa tái nhợt, mấy sợi tóc dính mồ hôi bết trán, con bé túm lấy tay Quang, giật giật, miệng mếu xệch kinh hoàng, rối rít:

- Bác Quang ơi, bác can mẹ cháu đi, không mẹ cháu đánh vỡ đầu anh Hoàng cháu mất. Bác ơi, mẹ cháu đã tìm được cái cán cờ bằng gỗ, chờ ở cửa rồi. Bác cứu anh cháu với, bác ơi!

*

Thật tình là Quang đã vội quay mặt đi. Quang không muốn nhìn thấy gương mặt Thoa lúc này. Một gương mặt dữ tợn, đỏ hăm, với hai con mắt xếch chéo, cái lọn tóc cặp vống lên sau gáy, cùng hàm răng nghiến kèn kẹt và tiếng rít chói tai: "Trời ơi là trời! Đẻ con khôn mát lòng rười rượi. Đẻ con dại thảm hại cái lòng là thế này đây. Thằng Hoàng! Tao nói để mày biết nhé. Tao không có đứa con như mày. Mày là con của bọn xích lô ba gác.

Mày là con của loại đầu đường xó chợ. Đồ khốn nạn là mày! Ối Hoàng ơi là Hoàng ơi, tao có cho mày ăn đói mặc rách không? Tao có để mày thua chúng thua bạn không mà mày chịu thua kém chúng nó, mày thua cả con lão xích lô, đứa gác cổng. Người ta chê cười mày là người ta bôi gio trát trấu vào mặt tao đấy, ới Hoàng ơi là Hoàng ơi!".

Thực tình là Quang không muốn nhìn thấy Thoa lúc này. Không muốn nhìn thấy cái thực thể phô diễn khía cạnh thô tục của người đàn bà. Không muốn thấy cái biến dị về phía xấu xí ở người nữ chủ nhân này. Người thiếu phụ này, trớ trêu thay, với Quang là một vẻ đẹp tươi mởn, mặn mà đã in dấu trong ký ức và hoài niệm Quang.

Đó là một buổi trưa Quang từ tòa soạn về, tình cờ rẽ vào căn buồng toalét ở tầng ba, kề nơi anh ở. Anh bước vào, sững lại như bị thôi miên.

Thoa đang đứng trước gương. Suối tóc đen nhánh chảy sau lưng. Cả phần ngực trần trụi mênh mông với hai bầu vú mụp mạp cùng hai núm vú đỏ hồng cong vểnh căng tràn sinh lực của chị in trong làn gương sáng, tạo nên một hình dạng đặc thù, vừa hiện thực vừa hư ảo lạ lùng. Ôi, cơ thể người phụ nữ.

Quang có cảm tưởng vừa phải vượt qua cả một khu rừng hoang sơ để đến với một cánh đồng phì nhiêu tươi tốt. Ám ảnh thiêng liêng và huyền bí bám riết Quang đến mức từ đó mỗi khi bước vào căn buồng nhỏ và đứng soi mình trước tấm gương nọ, anh lại run rẩy bồi hồi như đang ở nơi thánh địa. Hôm ấy, thật sự là Thoa đã tạo nên ngẫu sự này.

Chị tưởng anh đi vắng chưa về. Và anh nhớ mình đã đứng ngây đờ, môi khô se, miệng đắng ngắt, sung sướng và ngượng ngập nhìn chị vội vàng mặc lại chiếc áo mới mua màu mận tím, đi ra với lời xin lỗi và vẻ mặt e thẹn như thiếu nữ dậy thì.

Mùa xuân đi qua như một bản nhạc không lời. Mùa hạ đến với sắc đỏ thắm thiết của hoa phượng. Và mùa thu tới với những cơn gió heo may ngập ngừng qua ngõ nhỏ mang theo mùi rơm rạ ruộng đồng. Quang nhận ra mùa đông ấy Thoa mặc đẹp hơn bao giờ hết. Liên tục chị may những bộ váy áo mới. Chị có nhu cầu làm đẹp, chỉ trở nên duyên dáng, thanh nhã hơn trong mỗi lời nói, cử chỉ trước Quang.

Cuối đông ấy, ngày nối ngày với những buổi trưa màu trời thanh thiên pha sắc vàng tuyệt đẹp và thanh tĩnh đến vô cùng. Và Quang đã nín thở vì bất ngờ khi trưa đó dòng suy tưởng đang êm chảy bỗng bị đứt quãng thình lình vì một tiếng hát nho nhỏ lẫn trong làn gió thơm vừa lọt vào căn buồng.

Về đâu. Về đây khi gió mùa thơm ngát

Ôi lũ chim giang hồ.

Đôi cánh đang cùng rập rờn trên khắp cố đô...

Quang đã dò dè từng bước lần xuống tầng hai. Qua khuôn cửa nhỏ, anh nhận ra Thoa, gương mặt nhìn nghiêng cắt một lát van vát tinh tế, thanh thản trong cái áo len vàng màu hoa cúc, với đôi bàn tay xinh xắn  đang nhịp nhàng đưa đẩy hai mũi kim đan. Cạnh chị là cuốn len đen pha xanh đang từ từ tở từng vòng nhỏ và một con mèo nhị thể, vật phân thân của gia chủ nằm thu gọn mình, lim dim hai con mắt. Căn buồng trưa mùa đông hanh hao, ửng ửng long lanh như rắc kim nhũ vàng.

Còn chân dung nào của Thoa đẹp hơn thế! Bỗng nhiên  trong Quang nảy nở một khát vọng, một cái thú phiêu diêu mang sắc màu hiệp sĩ là được nâng niu nó, được giữ gìn nó, tức cái đẹp như giữ gìn một khoảnh khắc vĩnh hằng.

Và thế là, thật tự nhiên, công việc của một hiệp sĩ tự nguyện dấn thân bảo hiểm cho điều mình ngưỡng mộ, tôn thờ đã bắt đầu. "Này, Hoàng! Vào đề một bài văn nghị luận nên bằng một hình ảnh. Chẳng hạn, với đầu bài "Luận về tính tranh giành và nhường nhịn" có thể viết như sau: "Trong đời sống hàng ngày, ta thường gặp cảnh tượng sau đây: Một chiếc xe buýt dừng. Một số người xô tới, chen lấn xô đẩy, bằng mọi cách để lên xe trước. Trong khi đó, một số người khác thì lui lại, nhịn nhường…".

Còn bài tập chữa ngọng elờ, enờ đây. Bảo đảm một tuần là hiệu nghiệm: Quang bảo thằng Hoàng và sau đó bắt nó viết, rồi đọc những dòng sau đây: "Nàng tôn nữ diễm lệ nấu cơm nếp lạc, luộc thịt lợn, đem vào làng, biếu ông nội, qua chỗ lội, gặp Lin Tay lo, Yes yes no no, líu la líu lo, thụt chân nam, xoạc chân chiêu, ngã quay lơ, nồi niêu lăn long lóc!".

Không ngờ những lời chỉ bảo của Quang lại có tác dụng ngay với thằng Hoàng. Không ngờ bài tập chữa ngọng cho thằng Hoàng gây niềm vui lớn cho cả nhà. Cái Trang cười như nắc nẻ. Thoa cười thỏn thẻn. Quang nói vui vẻ: "Thế có phải là đẹp là vui không? Chị Thoa à, một đứa con trai khó dạy không kém một con thú nhỏ đâu. Đó là câu nói của ông Platon, một nhà hiền triết cổ Hy Lạp đấy". Thoa cúi mặt, ửng đỏ hai gò má và đôi tai xinh xẻo, bỗng nhiên như thỏ thẻ, thật ngây thơ: "Những khi cáu giận, em xấu xí lắm phải không, anh?".

*

Nhưng lúc này thì Thoa đã hoàn toàn biến đổi thành một hình ảnh khác lạ rồi! Không chỉ là những lời rủa xả, đay nghiến, thậm chí độc địa thuộc một giải tần khác, mà thần thái chị cũng đã di chuyển sang một hệ giá trị khác, thấp kém và vô cùng tầm thường. Mặt đỏ căng, tay lăm lăm chiếc gậy gỗ lim dài hơn một thước, to tròn bằng ngón tay cái, môi bậm đến nhợt máu, mắt quăng quắc như mắt thú, chị đứng sẵn trong tư thế rình đợi kẻ thù ở cạnh cái cổng sơn xanh  trước mảnh sân nhỏ nhà mình!

Quang đi ra đúng lúc thằng Hoàng phanh kít chiếc xe đạp Nhật ở trước cổng, rồi chống đôi chân dài ngoằng xuống đất. Đầu đội chiếc mũ lưỡi chai tím, lưng xề xệ cái balô đựng sách vở, nó ngoảnh mặt vào mảnh sân nhỏ, khuôn mặt dài thơ trẻ vô tư chưa hề hay biết điều gì đã xảy ra và sắp xảy ra, kể cả lúc mẹ nó xồ ra từ sau chiếc cổng với cái gậy gỗ giơ cao:

- Hoàng! Mày đi đâu, giờ mới về?

Cùng với tiếng quát, chiếc gậy vung lên, nhằm đầu thằng Hoàng quật xuống, thật là bất ngờ, ngoài cả dự tính của Quang. Với thằng Hoàng điều đó còn ngoài cả sức tưởng tượng. Nó vừa định mở miệng "Con chào mẹ" thì đã vội bật nảy ra khỏi chiếc xe và may mắn, nó né được người vào cái đốc cửa ở căn nhà đối diện. Đầu gậy của cú vụt trượt đập trúng cái yên xe. Nó mạnh đến nỗi chiếc xe không người giữ đứng yên đến mấy giây rồi mới đổ kềnh xuống đất.

- Hoàng! Tao còn dạy được mày nữa không? Hả!

Chiếc gậy lại vung lên và người phụ nữ trẻ một lần nữa lại xô tới phía trước. Còn Quang, lúc này vừa xót thương cho thằng Hoàng, vừa uất nghẹn đến cùng cực, không có cách nào hơn, anh ra hiệu cho thằng Hoàng chạy đi, và tạt ngang sang mấy bước, rồi vừa như che chắn cho nó, vừa trực tiếp đối mặt với cơn giận giữ của Thoa. Hòn than phải tự cháy hết mình. Hiệp sĩ phải đóng trọn vai. Cú gậy quất vô tri thứ hai sượt qua thái dương Quang, nện đánh bịch xuống vai phải Quang.

- Thoa à, đừng cáu giận thế!

Quang nói giọng thật dịu, cùng với động tác giơ bàn tay trái lên cao, đón đỡ chiếc gậy gỗ nặng chịch đang như một ánh chớp vụt xuống lần thứ ba. Bàn tay trái của anh tê dại hẳn đi. Nhưng may, lần này anh đã tóm được đầu chiếc gậy. Và giật lấy nó, anh giơ ngang tay như chặn người thiếu phụ, không cho chị bước lên, tiếp tục xả cơn say máu. Người phụ nữ trẻ hẫng một nhịp đà, buông tay, há miệng kêu một tiếng nho nhỏ, để buột búi tóc sau gáy, xoay lưng lại, gằm mặt đi qua cổng, vào nhà.

Quang dựng chiếc xe đổ, quay lại phía thằng Hoàng, buồn bã bảo nó hãy đi đâu một lúc, tí nữa hãy quay về. Rồi Quang lặng lẽ bước qua sân, đi vào nhà.

Ở chân cầu thang, Thoa đang úp mặt vào tường ri rỉ khóc. Chắc hẳn là chị đang nhớ lại cái câu chị thỏ thẻ hỏi Quang hôm nào: Những khi cáu giận, em xấu xí lắm phải không, anh?./.


Nguồn : nguoikechuyen.name.vn
Trong cái lều bạt, thằng nhóc gào lên. Rồi những tiếng cười rủng riểng. Cả mấy thể loại cười chen chúc nhau trong cái khoảnh đất quây chín mét vuông. 

Thể loại béo ngậy: "Đằng nào mà chẳng vậy. Cái thằng chiều nay nó cứ lảng vảng mãi. Thằng Tùng tốn công ra rả tới mười lăm phút, cái thằng chiều nay mới chịu móc túi ném tiền vào".

Thể loại tóc tém ré lên: "Nó ném cả bọc tiền để trong cái ví cộm vào cho mình. Còn hơn để móc túi mất. Em nhìn thấy một con nom xinh ra phết cứ sấn cạnh nó. Tí nữa mất toi cái ví. May mà nó ném vào hộp tiền nhà mình".
Giọng đàn ông xương xẩu: "Gọi bọn tốt đen về đây cho tao".


Giọng béo ngậy: "Để làm gì?".
Tóc tém phụ họa: "Chúng nó ra mấy cái nhà nghỉ rồi. Cứ để cho chúng nó đi giải khuây. Động tí gọi".
Đàn ông xương xẩu: "Mẹ chúng mày. Cả chiều nay chúng mày không thấy chúng nó vô tích sự à? Cho ăn lương chỉ để làm mỗi cái việc cò mồi. Thằng Lam "ăn rau má" suýt nữa để lộ. Trúng ba trăm sáu mươi ngàn xong thì rút mẹ nó đi, lại còn muốn đứng lại xem đám móc túi. Con móc túi nhìn thằng Lam như muốn ăn tươi nuốt sống. Con này tao biết nó từ đợt lên Lạng. Nó mà hỏng việc, nó dám sổ toẹt mấy cái chiêu của cánh mình. Rồi là mệt với lũ đượi ấy".
"Thì nó cũng đã ăn không ăn hỏng được gì cái ví" - giọng tóc tém - "Nhưng đứa nào ngu thì phải dội nước lã vào cho máu nó đông lại, cho đỡ ngu đi".
"Ngày mai cắt cơm".
"Đúng, ngày mai cắt cơm".
"Cắt cơm...".
Tiếng "cắt cơm" sôi lên như mỡ trong chảo gang trên cái bếp rực lửa.
Ngoài trời đêm, trăng đang muốn lặn. Nhưng có vẻ khí lạnh đã làm đông cứng từng đám mây mờ. Những cái khối đông cứng đó đứng chắn ngang không cho trăng muốn làm gì thì làm.
Gió quên cả thổi. Ngây ra xem chuyện dằng dai giữa trăng và mây.
***
Thằng bị dọa cắt cơm đang lượn lờ trước cửa nhà nghỉ.
Cái nhà nghỉ này có bao nhiêu cánh cửa khách không đếm hết được. Khách bước vào, thấy dọc ngang cầu thang đi lên tầng này tầng nọ. Mỗi tầng lại có những cánh cửa cấu trúc kỳ lạ, đóng kín, giấu hết đằng sau những thứ gì không rõ. Khách vào một căn phòng có cánh cửa đang mở sẵn, khóa còn cắm trong lỗ khóa. Thằng bị dọa cắt cơm liếc mắt vào phía trong phòng khách vừa vào. Cái mặt thằng này trông khá đa tình, xanh xanh dài dài. Những ngón tay gõ gõ vào thành tường chẳng hiểu ra kiểu gì.
Khách ngoắc: "Có hàng không?".
Thằng bị dọa cắt cơm - thôi cứ gọi tên nó là thằng Lam "ăn rau má", nghếch mặt: "Hàng gì cũng có".
Khách ngần ngừ: "Thế thì biết đằng đếch nào mà lần. Đại để mày mạnh hàng gì?".
"Giai".
"Cút mẹ mày đi. Đây phải dùng hết gái thiên hạ mới đến lượt chúng mày".
Thằng Lam cười hề hề: "Đã dùng thử lần nào chưa mà nói mạnh thế? Cứ thử một lần cho biết rồi hẵng nói. Thiên hạ người ta chẳng bày cái gì ra mà không có lý".
"Mày cút đi".
"Số điện thoại tôi để ở ngoài cửa đây. Lúc nào cần hàng, nói cụ thể tên tuổi, tính nết, thói quen đái ỉa của thân chủ đằng phía đấy, đây cung cấp trước thu tiền sau, không cần chứng minh nhân dân".
"Mẹ kiếp".
Chiếc gạt tàn văng ra cửa, vỡ thành trăm mảnh (theo cách tả lãng mạn). Kiểu này nhà nghỉ lại phạt cậu lễ tân gấp đôi gấp ba. Gạt tàn là cái đinh gì. Tinh thần thái độ trách nhiệm phục vụ và vân vân mới là chính.
Nhìn cái gạt tàn được hóa kiếp, thằng Lam "ăn rau má" vẫn không đổi sắc mặt mai mái. Khẽ cười nụ cười Việt Vương Câu Tiễn, nó lùi lại một bước như sắp xuống tấn. Lùi bước thứ hai như sắp sửa cúi xuống nếm phân. Rồi quay ngoắt người bỏ đi.
***
Khách đóng cửa, trút dần quần áo.
Cái áo lụa tơ tằm màu đỏ đun này, ngày ấy do nàng mua tặng. Ngày ấy, nàng thương chàng sinh viên nghèo chỉ có hai cái sơ mi một xanh một trắng. Cái nào cũng rách sờn mấy chỗ, phải nhờ hàng chữa quần áo sinh viên mạng lại thật khéo. Khi hai người đi ngang qua một siêu thị mi-ni mới mở, nàng rủ vào. Chàng sinh viên tần ngần bên gian hàng quần áo đề biển FOR MAN. Nàng chỉ cái áo lụa tơ tằm màu đỏ đun, hỏi giá. Giá cao ngất ngưởng bằng ba tháng tiền ăn sinh viên. Chàng sinh viên như bị sốt. Nàng vẫn thản nhiên ra trả tiền và cười tươi rói khi mấy ngày sau đó, nhìn thấy chiếc áo được khoác lên người chàng trai.
Còn chàng sinh viên, lần đầu được bạn gái tặng một món quà xa xỉ như thế, lúng túng chẳng biết phải cư xử sao cho phải nhẽ. Cử chỉ đôi phần bớt sỗ sàng. Thái độ bớt nhạt nhẽo. Giọng nói ấm hơn.
Hê hê. Cánh bạn bảo trông thằng này độ này ra cái thằng tử tế. Mà hình như nó vợt được con nào ngon hơn cả mèo mù vồ được cá rán chảo chống xước. Mà hình như rõ ra là yêu thật.
Chàng sinh viên chẳng hiểu mình có yêu thật hay không. Mà thế nào là tình yêu, đã đứa nào bảo đâu mà biết? Nhưng chúng bạn hỏi quá. Lại thêm nàng quan tâm ngày càng nhiều hơn. Đâm quen. Thành ra cứ định nghĩa tình yêu là thế này: cuối tuần gặp nhau đi chơi, uống chút gì đó trong một quán cà phê sành điệu. Thích lại rủ vào rạp chiếu bóng. Xem phim thì ít mà chọc nhau trong bóng tối thì nhiều. Lâu thì cũng quen hơi. Không gặp thấy nhớ. Thấy thằng nào đi với nàng, máu nóng bốc lên mặt, muốn bổ một nhát vào giữa mặt thằng khốn đó.
Mà tất mọi sự xảy ra do cái chuyện đi chơi với người con gái trông cũng dễ chịu, rồi vào siêu thị, rồi mua áo. Rồi cuối cùng thì chiếc áo rất ăn với thân hình. Nếu bảo yêu nàng vì chiếc áo, thì thật là quá đáng, thật là xấu hổ. Nhưng đúng là sau sự cố mua áo, quan hệ của hai người có khác hơn. Người này nghĩ: người ấy thật quan tâm đến mình. Người kia nghĩ: người ấy sẽ luôn nhớ đến cái siêu thị nhỏ ấy.
Nói tóm lại, hình như chàng đã bị bỏ bùa.
***
Khách nghĩ ngợi, nghĩ ngợi. Miệng cười méo mó một mình với cái gương gỉ trong toa-lét. Nước xối ra rào rào hự hự từ miệng vòi sen như cống đang dọa vỡ. Khách không thấy mình có ý định gì. Lòng nhạt thếch. Nhìn ngang dọc cái toa-lét, lại thấy phía trên một cánh cửa ngang chẳng ra kiểu gì, làm bằng nhựa xốp. Nó treo lửng lơ trên tường, có vẻ như  là một cái cửa tủ thì đúng hơn. Cái tủ này có thể đựng được hai người nằm co trong đó.
Ngày ấy, họ đi với nhau khắp các vùng du lịch. Tiền toàn do nàng chi. Bây giờ không còn nhớ họ đã đi bao nhiêu vùng đất, cũng không biết nàng đã chi bao nhiêu tiền. Nhưng cái cảm giác lần đầu tiên đặt chân vào một phòng nghỉ sang trọng cứ đeo bám chàng trai.
Lần đầu tiên được ngủ chăn êm nệm ấm, bên cạnh một người con gái đang sẵn sàng trở thành đàn bà.
Nhưng rồi sự thể là hôm đó nàng đã không thể trở thành đàn bà.
Nàng thì cho rằng chàng đã giữ gìn cho ngày vui nhất của hai người.
Còn chàng thì lo lắng: không hiểu cái của nợ kia tại sao lại đơ ra đúng lúc ấy?
Họ đi thăm thú rất nhiều nơi. Thưởng thức khá nhiều món ngon. Mua khá nhiều đồ kỷ niệm. Mỗi khi đi ngang qua một cửa hàng có đề FOR MAN, nàng lại kéo tay chàng vào cho bằng được.
Chỉ đến khi đêm xuống là chàng lại chật vật. Và nàng lại cảm động. Cảm động đến mức có lần suýt bị chàng đập cho một nhát.
Tại sao trên cõi đời này lại có kẻ ngây thơ trong trẻo và ngu ngốc đến thế?
Có tiếng gõ mạnh ngoài cửa.
Khách ôm vội cái khăn tắm mở cửa ngó ra. Chẳng thấy thằng nào. Thấy một cái phích nước sôi. Khách xách vào xối lên vòi ấm, xối tiếp cái chén trà dùng lâu ngày cáu bẩn từ bên trong. Lại thấy có một mảnh giấy nhỏ cài dưới đít phích. Khách tiện tay ném vào sọt rác.
Nhưng ánh mắt khách bỗng như hoa lên, một cái gì thân quen đập vào mắt. Dòng chữ ấy... Cái dòng chữ đã in trong tim người đàn ông suốt bao năm ròng: FOR MAN.
***
Mobil: XXXXXXXXXX/Địa chỉ: Lều bạt NHÓM VUI CHƠI
Phục vụ vào các đêm sau khi giờ ở các hội chợ tan
Không quấy rối khách lúc ngủ trong nhà nghỉ
Biết những việc cần làm trong lúc thức
Trẻ. Đẹp trai. Gương mặt khả ái.
Dáng người hình chữ V
***
Quá nửa đêm, mưa đổ xối xả giữa mùa đông như mưa rào. Năm nay thời tiết thật quái đản. Rét run cầm cập. Mặc cả đống áo vẫn không hết rét. Thế mà đang rét như thế, mưa lại đùng đùng đổ xuống.
Nước bắt đầu dâng lên trong cái sân rộng mênh mông đang có Hội chợ thương mại. Hội chợ này quy mô nhỏ. Chỉ gọi được chừng ba mươi gian hàng tham gia. Thành ra mỗi gian hàng phải đóng tiền thuê hết hai triệu rưỡi. Mà hội chợ lại tổ chức ở xa trung tâm thành phố tỉnh, nên khách vào lại càng ít.
Trong các lều có tiếng lịch kịch. Mưa xối xả hơn. Nước ngập cả gian lều, dâng dần sát những hộp đựng đồ nghề.
Thằng bé con mới bảy tháng tuổi khóc. Nó lạnh quá. Mẹ nó là cái Thể loại tóc tém buồn như lạc vào địa hình ma trận, ngáp mấy cái rồi bảo nó bằng những ngón tay mềm mại vỗ vỗ: "Nín đi".
Thằng bé gào to hơn.
Thể loại béo ngậy hỏi: "Còn sữa không?".
Thể loại tóc tém rầu rầu: "Hình như sữa của em đông cứng lại rồi. Nó không bú được".
"Có cái bình chườm đây này. Lão kia, dậy đổ nước phích vào cho nó chườm hộ cái".
Đàn ông xương xẩu bị khua dậy, lầu bầu trong cuống họng: "Đ.mẹ. Em gái mày chứ em gái tao đếch đâu".
Thể loại béo ngậy rít trong kẽ răng, tiếng rít giấu trong cả bóng đêm và tiếng mưa xối xả: "Mày đừng có giở trò. Đừng có đụng vào em tao. Mày đụng vào nó tao xé xác. Chẳng qua thằng khốn kia bỏ mặc mẹ con nó, tao đành phải cho nó theo ít bữa, chứ đ. tin được cái thể loại mày".
Tiếng Đàn ông xương xẩu cười hề hề: "Tao mà đụng vào, mả mẹ mày cũng đ. biết. Lại còn để cho mày biết".
"Nước đây này. Đổ vào cái bình chườm kia kìa. Đồ đàn ông thối nát".
"Trần đời chẳng có thằng đàn ông nào tử tế như tao. Mẹ kiếp, cưu mang luôn cả đám họ hàng nhà mày".
Thể loại tóc tém nghe câu được câu mất, xen vào: "Đi ba cái hội chợ gần tết này để em kiếm tí cho cháu rồi em kiếm chỗ bán mấy chén nước. Không phiền anh chị nữa".
Thể loại béo ngậy động viên: "Anh rể ác khẩu vậy thôi chứ tốt lắm. Mày cứ hay tự ái chỉ tổ khổ thân. Giá đừng có cái tính sĩ diện tự ái với nhà chồng, đâu đến nỗi khổ thế này em ơi".
Thằng bé lên tám tuổi con bà chị tỉnh róc giữa đêm mưa, cười bảo mẹ nó: "Mẹ, con không thấy khổ. Con thấy cả nhà mình đi cùng nhau, có cả dì và em thế này vui lắm. Con thích như thế này cơ".
Thể loại béo ngậy vừa chườm vú cho em gái, vừa trều môi: "Đúng là con trẻ. Chẳng biết thế nào là khổ. Mày thích đi thế này là vì được nghỉ học chứ gì".
"Lại còn đi lừa thiên hạ được tiền nữa. Nên nó vui". Đàn ông xương xẩu góp.
Tiếng cười hê hê. Mưa cũng dần tạnh. Nước rút dần, có vẻ không dám xông lên những cái nệm và chăn lổng chổng vốn đã ám đầy bụi và cáu bẩn trong lều.
***
Nhưng khi nước rút rồi, đêm vẫn chưa tàn mà cả mấy người của cái nhà vui chơi có thưởng không ai ngủ được, trừ hai anh em thằng bé. Thằng bé con bảy tháng tuổi bập được một tẹo sữa rỉ qua ti mẹ, thấy ngọt ngọt thơm thơm nên tạm yên lòng, mắt nhắm tít lại rồi ngủ say sưa. Thằng anh con bà chị thì vô tư cuộn tròn trong cái chăn bông tiết kiệm. Mẹ nó đứng rình mãi ở cửa hàng bách hóa cũ của huyện mới chặn được đúng đợt có loại chăn rẻ như cho này.
Khí lạnh và không gian ướt rượt ngấm qua da qua thịt. Nhưng chỉ có người lớn mới dễ đành lòng cho mọi thứ xuyên qua da thịt trái tim mình. Trẻ con không như người lớn, mọi ý nghĩ và hành động đều đi thẳng đến đích.
Nằm trong cái chăn len cũ, Thể loại tóc tém cứ nghĩ đến chuyện chị mình vừa nói. Mình có cái tính sĩ diện tự ái không nhỉ? Ban đầu nhà đấy không chịu cưới mình cho con trai họ.
Chúng quen nhau trong một quán bar đêm. Lắc lư lắc lư một thời gian thì rủ nhau vào nhà nghỉ. Lần đầu tiên, con bé không thấy có gì là hay cả. Nhầy nhụa bợt bã chán nản.
Nhưng về nhà còn chán hơn. Nhà là một cái lều nằm rìa sông. Nhà có ba mẹ con và một ông bố nghiện rượu, thối phổi nằm bẹp rúm một góc, thành ra cả nhà hay quên ông, cứ quên mất là nhà này còn có đàn ông. Bữa cơm dọn ra cũng chỉ có ba mẹ con. Đêm ngủ cũng chỉ mẹ quấy quá chăn màn. Hai chị em lớn lên như nấm dại. Nên đi bụi cũng là chuyện thường tình.
Nhà chồng không cưới, chúng rủ nhau ra đăng ký đại ở phường rồi về cái lều bên sông cùng lăn lóc với bố mẹ vợ. Đẻ ra một thằng con trai giống thằng kia như lột. Rồi đến lúc nhà chồng gọi thằng kia về cưới vợ. Ngang đến đấy thì con bé không chịu được, bế con bỏ theo vợ chồng chị gái dong ruổi khắp các hội chợ làm cò mồi cho anh chị. Đứa con trai cũng dần lớn theo các chặng đường đi. Thỉnh thoảng thằng kia gọi điện bảo về, không về tao cưới con khác thật. Nhưng càng nói như thế, mẹ con nó càng biền biệt.
Mình có cái tính sĩ diện tự ái không nhỉ?
Thể loại béo ngậy ít cả nghĩ hơn cô em. Đang nhẩm tính số tiền kiếm được trong tháng giáp tết này.
Nói đúng ra chị gái đi bụi trước. Rồi cũng có người đàn ông cưới chị có trầu cau mâm quả hẳn hoi. Rồi họ buôn buôn bán bán. Cuối cùng thì chọn cái món vui chơi có thưởng để kiếm sống. Cái món này phải nuôi một đội cò năm sáu đứa, phải đặt hàng chục triệu cho nhà chức trách để có một chỗ trong hội chợ. Mà cũng chỉ có hội chợ huyện hoặc hội chợ thương mại tỉnh mở ở những nơi tít hóp khe sâu rừng thẳm, đường đi lởm khởm đá gan gà mới cho cái dạng vui chơi có thưởng cò mồi này vào.
Làm gì có cái đếch gì mà thưởng. Ăn còn chẳng đủ. Lôi nhau đi hết huyện này đến tỉnh nọ. Giống như cái phim dân di-gan gì đó mà họ đã được xem trong một hội chợ có mang phim đến chiếu, cho bà con kéo đến xem xong thì mua hàng. Mà cũng chỉ duy nhất có lần đó được xem phim. Còn các lần khác toàn hát. Ban tổ chức hội chợ thuê đâu được những ca sĩ nửa mùa (chắc lôi ra từ những hộp đêm mà mình từng đến ngày xưa chứ ca sĩ đếch gì). Hát trên nền nhạc chua loét, lõm bõm "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn". Đang rét buốt hết cả cái ấy... mà còn hát Mỗi năm đến hè. He he. Lại còn đám người ngẩn ra xem vui chơi có thưởng nữa chứ. Xong thì xông vào chí chết. Có bao nhiêu tiền là móc ra, mong nhận được cái nồi đểu hoặc cái bàn là, ấm điện mang về nhưng không bao giờ dùng được.
***
Mà thời tiết thế này, lại ở tận cái góc men phố xép như thế này, lấy đâu ra khách mà cò với chả mồi. Mấy thằng cò nhà mình lại thấy lảng vảng ra mấy cái nhà nghỉ cò mồi bán chác gì đó. Hội chợ này kể như lỗ to. Mất toi tiền thuê gian. Cứ đà này lại về tạm cái nhà bên sông của mình chơi với mẹ mấy hôm rồi tính.
Đàn ông xương xẩu tóp tép miệng. Giá như giờ có món cháo gà mà húp thì đỡ rét. Mẹ kiếp, cái con mụ béo ngậy kia khi nãy nói gì nhỉ? Con em mụ nếu mình ngày xưa có gặp trước chắc gì đã thích. Giờ nó là gái một con, trông cũng hay hay. Lúc nó cho con bú, ngực cứ trồi ra đến nõn. Mà thôi, đ. cần nghĩ đến chúng nó làm gì cho thối đầu. Đám cò mồi có con bé người Quảng Ninh nom gầy nhẳng. Nhưng con mắt nó cứ lạ lạ. Nó nhìn mình như con mồi ngon chờ con thú nhảy chồm lên ngoạm. Mẹ kiếp. Cứ biết thế đã.
Đàn ông xương xẩu lật mình một cái, đầu gối chạm vào mông vợ.
Nghĩ thế thôi, chứ nếu mình giở trò gì, con này nó không cho mình ra bã mới là lạ. Mà cuối cùng thì thiên hạ cũng hơn gì nó. Thực ra nó cũng đảm đang thương chồng thương con. Nó ngày xưa cũng đâu đến nỗi. Phải tội nhà cửa luềnh tuềnh. Chẳng có của nả gì. Nhưng mà xinh ra phết, khối thằng muốn rước. Chắc mả nhà nó động mới mê mình đến thế. Hay mả nhà mình phát cũng nên? Nó lấy thằng Sinh, chắc giờ làm bà chủ bán bia, đâu phải lăn lóc xó xỉnh bụi đường thế này.
Mà mình ngày xưa cũng khá. Ôm được khối em mới chịu đi lấy vợ. Kể trên đời này chỉ có thằng ngốc mới chung tình với một con. Oách nhất là vô tư thoải mái trước khi lấy vợ. Cho biết hết trò thiên hạ đi. Rồi chung thân với con vợ hôi đủ các kiểu hôi. Nhưng nó là cái chỗ cắm đời mình, tiền cũng thả vào đấy, con cũng thả vào đấy. Thế mới đau.
Thằng bố nó không biết sắp được chôn chưa? Thằng này chắc phải hứa chôn bằng rượu mới chịu nhắm mắt đây.
***
Bên cái lều dựng thêm bên cạnh, con bé người Quảng Ninh thấy lạnh (dĩ nhiên con bé  được xếp ngủ riêng một góc). Nó quày qua quày lại. Thấy lô nhô chăn, lô nhô những cái đầu con trai hôi hám. Nó lắng nghe tiếng lịch kịch bên kia tấm vải được kéo làm rèm ngăn cách giữa nhà chủ và đám làm thuê. Chỉ cách nó có sải tay, phía bên kia là ông bà chủ đang ôm nhau ngủ. Nhưng tiếng lịch kịch lịch kịch mãi không hết khiến nó tò mò quá thể. Cái gã chủ trẻ này cũng đa tình ra phết. Con này nghĩ nếu nó mà đong đưa với gã, chắc yên tâm về việc làm, ít nhất mấy tháng giáp tết.
Lại thêm mấy thằng làm cùng. Đứa nào cũng muốn tặng cho nó một thứ gì đó. Thằng Tùng bảo cho sờ một tẹo vào cái ti xem thử ti con gái thế nào mà lắm phim ảnh thế. Cho sờ rồi thì sẽ mua cho nó một cái túi xách bán trong hội chợ. Nhưng phải đợi lúc hàng túi xách giảm giá khuyến mãi, tức là lúc sắp vãn hội. Thằng Lam "ăn rau má" một lần vật con này ra cỏ, trong đêm, khi nó lần ra ngoài bãi cỏ phía sau sân hội chợ để đi giải. Thằng Lam kéo khóa quần còn con này thì cũng mở hẳn cả khóa lẫn khuy cài rồi, cái quần sắp tụt xuống. Nhưng lại có đám soi đèn pin đi lần mò cái gì sáng quá bên cạnh nên chúng nó chưa làm gì với nhau.
Thằng Lam thì thầm rủ nó đi kiếm thêm ngoài. Nó hỏi kiếm như thế nào? Thằng Lam bảo tao là con trai mà cũng kiếm được tiền nhờ như thế như thế... Tạm phân công thế này, tùy theo khách thích thể loại gì, thích tao hay thích mày. Nếu mày chịu khó chịu khổ một tí thì cũng kiếm được bộn tiền. Con này hỏi khó khổ như thế nào? Thằng Lam hẹn tối mai lúc vãn hội, bà chủ cho thoải mái xả hơi bên ngoài, sẽ rủ con này ra chỗ nhà nghỉ, chui vào một phòng độ năm mươi ngàn, rồi thì cởi hết quần áo hai đứa ra, rồi thì biết thế nào là khó là khổ. Chắc cái của mày cũng khó thật vì mày còn bé tí thế kia. Con này bĩu môi, tao mà bé, mày cứ sờ thử xem. Nó kéo tay thằng Lam sờ vào người nó thật.
***
Lăn lóc giữa đám cò mồi, thằng Lam đang ngủ ngon bỗng bị đánh thức vì một cú điện di động. Cái di động cũ mèm của nó giật hự hự mấy cái rồi đổ nhạc teng teng. Đám cò mồi càu nhàu rồi lăn người ngủ tiếp.
Phía bên kia mà dí tai vào máy sẽ nghe được bản nhạc "Tóc nâu môi trầm, đi dạo phố đông". Phía bên này thì thằng Lam "ăn rau má" bị cướp mất giấc ngủ say, không biết ngoài kia mưa đã tạnh, đêm đã quá nửa, mà những cơn gió rét hại vẫn lặng lẽ ào tới vùng đất nhỏ nhoi này.
Phía bên kia có giọng của một người đàn ông nhừa nhựa, mang màu lụa tơ tằm đỏ đun: "... Còn nhớ cái gạt tàn vỡ không?...".
***
Hôm sau trong bầu trời ẩm ướt đe dọa sắp có cơn mưa to đổ xuống, cả hội chợ lặng lẽ khuất phục sự thua lỗ vì mưa rét. Người ta thấy bầu đoàn thê tử của cái nhà vui chơi có thưởng nhổ cọc lều rút lui. Mặt mấy đứa làm thuê chảy cả ra.
Hội chợ vẫn trụ lại, bám đến cùng, mong có nắng.
Cả nhà vui chơi có thưởng người bế con, người vác thùng, xúm xít cùng đám cò mồi vừa đẩy xe ra khỏi cổng vừa nhìn lên bầu trời nặng trĩu.
Họ cũng thầm mong có nắng.
***
Trước mặt họ con đường dài vô tận. 
Võ Thị Xuân Hà

Nguồn : nguoikechuyen.name.vn

Tôi và Nông cùng hơn ba chục thương binh nhẹ ra đến trạm thì trời đã tắt nắng. Rừng chiều mát mẻ và thoáng đãng. Trạm giao liên nhộn nhịp, quân vào quân ra dừng nghỉ. Tăng võng san sát như những cánh bướm rải rác từng cụm dưới tán rừng.  Khu rừng thật đẹp, bom đạn như chưa hề chạm tới đây, những thân gỗ rong róng sần sùi cao vút, những tán lá rậm đủ che kín khoảng đất bên dưới rậm rịch những bước chân. Mấy cô gái nuôi quân, chắc lẽ mới vào da thịt còn căng, môi hồng còn thắm làm cho khu rừng càng thêm sinh động... Lại một đơn vị nữa nhập trạm,  người hạ ba lô, người mở bi đông, người rút ống điếu, có anh nằm duỗi chân tay thở dốc.
 Mọi người đã ngồi duỗi chân rồi mà Nông cứ đứng mãi. Chẳng biết Nông còn mải nghĩ điều chi. Tiểu đoàn tôi có bảy thì năm người đi điều dưỡng, tôi đi dự khóa bồi dưỡng hạ sĩ quan, Nông đi báo cáo điển hình ở đại hội quyết thắng quân khu. Mọi người thở phào tạm thoát bom đạn... Không ai muốn nhắc nhớ gì hết, cứ quên đi đã... Vậy mà nhìn Nông bổng dưng tôi nhớ tới những quần lửa, những chuỗi tiếng nổ choàng óc và những thân người lảo đảo đổ gục trong trận đánh hôm đó. Ôi, trận đánh...
Trưởng đoàn đi đâu đó một lúc thì trở lại dục mọi người xuống bếp ăn cơm. Nhà ăn lợp lá rộng rãi, bàn ăn bằng tre, ghế là những thân cây mới đẽo còn tươi. Bộ đội đi lại nhộn nhịp... Cơm nóng, canh thịt hộp nấu lá chua rất ngon. Nông chỉ được vài lần xới rồi buông bát đứng dậy. Ăn xong tôi xuống bếp lấy nước vào bi đông, lên đến chỗ cây săng lẻ gặp Nông đứng với một cậu “bấm ra sữa”. Sắc mặt Nông tái nhợt còn cậu kia như vừa khóc xong. Cậu ta bỏ đi vội vàng trong tiếng còi rúc gắt gỏng.
- Có chuyện gì vậy, ai vừa đứng với Nông thế? Tôi hỏi.
- Nguyệt chết rồi! thằng em vừa báo tin... Nông lắp bắp, mắt đã dại hẳn. Trời...  Điều Nông linh cảm là đúng sao?
Trưởng đoàn dục nghỉ, sáng mai đi sớm. Cán bộ trạm chỉ cho một chỗ gần bìa rừng. Một cụm cây dống cây dẻ, thoáng đãng, sạch sẽ. Cách vài chục mét về hướng đông là một vùng đồi thoai thoải có những trảng cỏ chen lẫn giưa những vạt sim mua tốt ngang thân người. Nông thẫn thờ mãi, có thể hiểu được nỗi buồn đau của Nông. Cái tin dữ ấy đã như một cơn lũ cuốn qua Nông, như một tiếng sét dáng vào Nông khiến Nông đờ đẫn, vô hồn. Rừng đã nhập nhoạng, tiếng chim lúc rúc trong các vòm lá nghe thật buồn... Cột xong tăng võng, mắc xong màn, tôi dìu Nông ngồi xuống. Nông thẫn thờ nhìn đồi sim lúc này đang tím sẫm và chìm dần vào màn đêm.
Tôi và Nông cùng một tiểu đoàn mà không biết, bởi gần vào chiến dịch tôi mới được bổ sung. Mãi đến lúc gương chiến đấu của “dũng sĩ giệt Mỹ - Trần Văn Nông” được phổ biến ra toàn trung đoàn thì tôi mới biết. Gặp nhau ở hậu cứ để cùng ra Bắc hai đứa lao vào nhau: “Thằng khỉ, thằng khỉ... ”. Mừng quá... Hậu cứ trung đoàn tối đó bình lặng. Xa xa, mạn đông nam leo lét mấy dây pháo sáng gần rụng, tiếng máy bay cũng rất xa. Nông kéo tôi vào hầm. Tôi biết đêm nay khó mà ngủ sớm. Vừa đặt lưng, tôi bảo Nông: “ Một mình đánh lui cả đại đội Mỹ, mi giỏi thật”. “Thôi, thôi, đừng nói, ngượng lắm ..”. Nông  nhớ lại trận đánh. Hôm đó, đại đội 2 của Nông quần nhau với bốn đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ... Nông nói như nói một mình...  “bao nhiêu đứa hy sinh răng mình không chết... ”. “Mi nói chi rứa?”. Tôi nhổm dậy, sửng sốt... Trong bóng đêm tôi không nhìn rõ mặt, chỉ thấy hai mắt Nông như tóe lửa. Có một sự dằn vặt ghê gớm trong Nông. Hắn nói đến cái sự chết chóc cứ bình thản như không, cứ như Nông đang sẵn sàng chết, đánh để chết...
 Nhà Nông có bốn anh em, hai trai hai gái. Hai trai là Nông và anh Đồng. Anh Đồng không biết mắc bệnh gì mà gầy gò, xanh lét, không làm được việc gì ngoài việc học. Người chị cả đã đi lấy chồng xa.  Đứa em gai út bị tật, hai bàn chân quặp lại úp lật mu xuống, muốn di chuyển phải dùng hai tay chống đất mà lết đi. Nhà Nông ba gian lợp rạ, chung quanh toàn tre pheo và mảnh vườn trồng khoai môn. Mẹ Nông suốt ngày quần quật, hết trong nhà ra ngoài đồng. Bố Nông làm nghề cắt tóc. Hình ảnh một ông già gầy gò, chân guốc mộc, quần đũng què, áo bà ba gụ cũ sờn, từ sáng tới trưa, từ trưa sang chiều ngồi lom lom trên cái ghế vải bạt xiêu xó dưới bóng tre đầu ngõ ngong ngóng đợi khách ám ảnh tôi đến day dứt. Tôi đem điều đó nói với mẹ. Mẹ tôi thở dài nói: “Thật tội...  Ngày trước nhà bác ấy cũng vào loại khá, có nhà ngói, có vài mẫu ruộng, có đủ mâm thau nồi đồng... Rứa mà.”.Mẹ tôi lại thở dài: “Cuộc đời nỏ biết đường mô mà nói trước...  Ruộng vườn, nhà cửa, mâm bát... tan hết, từ chỗ có của ăn của để nay trở thành tay trắng..”
Nhà tôi và nhà Nông chỉ cách nhau một bờ bông bụt nên hễ rồi là tôi lại tót sang. Tôi vừa chớm đầu ngõ bố Nông đã gọi con ơi, có bạn nì... Ông bà thấy mặt tôi là mừng ra mặt. Cái sự mừng của bố mẹ Nông hơi lạ, cứ như tôi là ngọn lửa nhỏ mang lại sự ấm áp cho căn nhà lạnh lẽo của họ. Tôi sang nhà Nông gặp lúc có cái gì ăn thì ăn, có việc gì làm thì cùng làm, mẻ ngô rang buổi tối, củ khoai luộc buổi trưa... Cái tình bạn quê nghèo sao mà nồng ấm, sao mà thân thương... Một bữa Nông hỏi chơi với tau mi có sợ bị liên lụy không. Tôi nói có chi mà sợ!  Nông vẫn không vui, vẻ mặt cứ đăm đăm buồn. Tôi lại đem chuyện Nông  lúc nào cũng buồn hỏi bố. Bố tôi nói có nhiều điều con chưa hiểu được, lớn lên mới biết...  Nhưng chơi với chắc thì cứ chơi, chơi rồi học lấy cái tốt của bạn!
Biết bố nói vậy là có ý nhắc nhở vì tôi học kém. Lúc đó tôi đã biết nghĩ rằng trời cho đứa mô giỏi sẽ được giỏi, như Nông chẳng hạn. Hơn nữa bố Nông đã là thầy đồ, nhà ông có một kệ sách to. Anh Đồng của Nông cũng học giỏi có tiếng... Còn nhà tôi? Bố mẹ không biết chữ, hai chị cũng chỉ mới biết đọc biết viết..
Biết rằng không thể học lên, hết lớp bảy tôi nghỉ ở nhà, vui vẻ ngày hai buổi đi làm hợp tác. Còn Nông, làm một lèo hết cấp ba rồi vào luôn đại học. Hồi đó vào đại học không phải thi mà chỉ xét. Nghe nói lúc cắt giấy tờ, suýt nữa người ta không cho Nông đi vì thành phần thành phiếc chi đó. Rồi chúng tôi chia tay nhau để Nông nhập trường. Dạo đó máy bay Mỹ đã  ném bom ra miền Bắc. Trường Nông sơ tán cách làng hơn một ngày đi bộ. Xa thế mà cứ vài chủ nhật Nông lại về, lúc mượn xe đạp lúc đi nhờ ô tô. Về lần nào hai đứa cũng gặp nhau. Nông ít nói chuyện học, bên chiếc cầu nhỏ đầu làng hai đứa chỉ nhắc chuyện đi tát, đi bắt cua bắt cá, chuyện trong làng ngoài xóm... Rồi hai đứa ngồi im, ngồi rất lâu dưới bầu trời đầy sao đến tận khuya. 
Thế rồi, Nông đột ngột trở về. Hôm đó là buổi non trưa, từ ngoài đồng vác cày về đến đầu làng thì tôi gặp Nông xách rương gỗ cũng vừa xuống xe ( Nông đi nhờ một chiếc xe bộ đội ). Tôi hỏi răng về, lại mang cả đồ đạc..? Về đi bộ đội, tau bỏ học rồi! Nông trả lời ráo hoảnh. Nhìn vẻ mặt lành lạnh của Nông tôi hơi chột dạ.  Tối đó tôi sang với Nông, hai đứa lại ra cái cầu nhỏ ngồi như mọi lần. Rồi Nông kể cho tôi nghe chuyện hắn có người yêu trên chỗ trọ học. Câu chuyện tình lãng mạn được Nông kể nghe hấp dẫn mà buồn bã. Trong bóng đêm Nông trông già hẳn, có vẻ đang bức bối một điều gì rất khó đoán... Sao lại như vậy? Sao Nông lại bỏ học giữa chừng? Tôi đang mừng cho Nông, nghĩ rằng rồi đây Nông sẽ là một thày giáo, sẽ áo trắng quần xanh tay cắp cặp hàng ngày vui với đám học trò, tương lai sẽ rộng mở... Còn tôi sẽ là anh nông dân vui thú cày bừa... Vậy là chiến tranh đã làm hỏng mọi việc. Chiến tranh đã đưa thân phận hai đứa chúng tôi trở lại gần nhau. Bởi Nông đi chưa được hai tháng thì tôi cũng lên đường. Thế  rồi run rủi thế nào mà cuối cùng hai đứa lại cùng một chiến dịch, cùng một tiểu đoàn.
Chẳng biết lúc này là mấy giờ, im ắng quá. Từ đầu hôm Nông cũng chỉ nằm im. Chỉ nghe tiếng thở đều đều bên đó vọng sang...  Tôi nằm nghĩ lan man, nhớ chuyện tình của Nông...  Nông kể rằng khoa Toán đóng ở một làng ven núi. Làng xóm hẻo lánh um tùm, nhà nào cũng có nương chè, có gốc mít...  Theo Nông tả thì đó là một miền quê thanh bình yên ả, có cánh đồng lúa rập rờn, có con đường mòn chạy giữa những đồi sim với những cô thôn nữ hồn nhiên nghịch ngợm như những cô Hoa, cô Lan.. trong chuyện “Mùa hoa dẻ” của Văn Linh hai đứa đã từng chuyền tay nhau. Đi học, khẩu phần của sinh viên thường chỉ có vài môi mì hạt hầm hoặc một cục mì luộc như cái chuông xe đạp nên suốt ngày đói. May nhờ có thức ăn bà con nhường cho, khi củ sắn củ khoai, khi miếng mít miếng dứa... Chiều đó học ở nhà, đói quá, Nông buông sách thẫn thờ bước ra sân, vừa tới bờ bông bụt thì bên kia lấp ló một khuôn mặt với cặp mắt đen láy: Anh... anh chi đó ơi... có ăn mít sang ăn... Thế là Nông sang. Thật là may, đang đói đến nhăn mặt: “Bố mẹ... đi mô?” Nông rụt rè hỏi...  “Bố mẹ  ngoài đồng”... Cô bé trả lời tỉnh như không...  “Mà anh hỏi bố mẹ em làm chi?” .. “Thì hỏi cho biết”. “Biết để làm chi?”. Cứ thế, bên này hỏi bên kia trả lời, một lúc thì hai đứa cười... Nông mạnh dạn: “đằng ấy tên chi?”.  “Tên chi anh hỏi làm chi?”.  “Hỏi để biết!”.  “Biết để làm chi???”  Rồi lại cười, mắt trong mắt, long lanh...
Đó là Nguyệt. Không phải gái làng, Nguyệt đến trọ và đang học lớp mười chuyên Toán của Tỉnh. Con gái mà giỏi toán, thật hiếm. Một hôm Nguyệt tự tin nhìn thẳng vào mắt Nông nói: “Anh toán em cũng toán nha... chúng mình dống nhau. Anh học cao và chắc là giỏi, em sẽ “quấy rối” anh cho mà coi... ”
Rồi Nguyệt “quấy” Nông thật. Mấy hôm sau, chẳng biết Nguyệt mang đâu về một đề toán. Vẫn buổi chiều vắng lặng, tiếng cu gù gợi cảnh thanh bình yên ả... Nhìn đầu bài Nông biết là khá hóc. Nguyệt moi đâu ra bài toán khó thế này. Dân chuyên toán có khác, ham tìm tòi..Nhưng rồi Nông cũng giải ra bài khảo sát hàm số. Vẽ xong cái đồ thị hình quả tim, ngẩng lên Nông bắt gặp khuôn mặt trắng hồng như hồng thêm với ánh mắt chn chứa bao điều... Nguyệt cười. Hóa ra Nguyệt đã giải rồi hoặc có thể đã được ai đó giảng. Nhìn Nguyệt cười thì biết. Nguyệt cười, má ửng đỏ và mắt đen lấp lánh. Lúc đó đâu nghĩ Nguyệt muốn gửi gắm gì mà Nông chỉ thấy xao xuyến trong lòng. Lại một lần khác, Nguyệt cũng nhờ Nông giải, cũng một bài khảo sát hàm số. Đọc đầu bài, Nông hỏi: “Nguyệt không giải được thật ư?”.  “Thật! có bí em mới nhờ... ”. “Với bài ni... trước hết cần biến đổi để đưa biểu thức hàm về dạng đơn giản đã..”. Nông nói thành thực. “Giải dạng ni cần phải.. đừng vội... ”. Nguyệt chống cằm vẻ lơ đãng... Thấy thế Nông cắm cúi vừa giải vừa nói. Nông nói gì Nguyệt cũng đăm đăm.  Nông vẽ đồ thị, đó là một hình tròn. Nông nói:
- Kết quả là một...  mặt trăng...  tựa khuôn mặt...
 Nguyệt cười cười:
- Em nỏ muốn mặt mình tròn vành vạnh rứa. Em chỉ muốn... mình chỉ là mảnh trăng đầu tháng thôi...
-Khôn rứa... trăng đầu tháng mảnh mai, dễ thương... Nguyệt rứa mà khôn...nhưng đầu tháng thì trăng ít  sáng, lại mau lặn...
Nông có ý trêu. Nghe thế mắt Nguyệt sáng lên:
- Nhưng rồi sẽ được sáng ở phía bên tê..
“Sáng hơn ở phía bên tê”, chao ôi, Nguyệt mơ mộng đến thế là cùng. Câu nói vô tình của Nguyệt sao mà ám ảnh, sao mà chông chênh...
Theo lời Nông thì Nguyệt rất xinh, người thanh mảnh, áo sơ mi đen, quần lụa hoa dâu vừa sát khuôn người thon thả thanh tân và mái tóc đen dày được tết thành đuối sam trĩu nặng, tất cả gợi nên vẻ khỏe khoắn và ngây thơ của tuổi dậy thì... Toàn bộ thân hình Nguyệt tỏa nét dịu dàng và đoan trang cuốn hút.  Một buổi đầu hôm bên bờ rào bông bụt lúc chỉ có hai người, không kiềm chế được nữa, Nông buột miệng: “Nguyệt ơi, anh..anh yêu em... Em có yêu anh không?”.  “Không!”. Miệng nói không mà Nguyệt lại đứng áp sát vào người Nông. Nông nghe được cả nhịp đập rộn ràng và hơi thở thơm tho của Nguyệt... Nguyệt đang rất gần, Nông nôn nao như có gì thôi thúc. Nông thì thào: “Nguyệt ơi, cho anh... cho anh...”.  “Đừng anh, đừng... ”. Nguyệt đặt ngón tay lên miệng Nông... ”Đừng! cứ như ri... thích hơn... ”
Từ hôm đó thỉnh thoảng Nông và Nguyệt hẹn gặp nhau. Nơi gặp là một tảng đá gần đỉnh đồi sau nhà trọ. Nguyệt thật khéo tìm chỗ, tảng đá bằng phẳng cạnh một gốc mít già giữa vườn chè tua tủa những đọt non, đủ cho hai đứa ngồi cách nhau độ gang tay, không xa cũng không quá gần, giận hờn không đụng chạm nhưng thân mật cũng chỉ cần khẽ nghiêng đầu. Lên đến nơi hai đứa lặng lẽ ngồi xuống. Chỉ cần thế, ngồi im đê cho sự dịu ngọt của tình yêu đầu đời tỏa lan ngây ngất... Một bận, khi hai đứa lên đến nơi cũng là lúc trăng đầu tháng ló ra khỏi cụm mây trắng mỏng. Nguyệt níu vai Nông chỉ: “anh ơi, trăng đẹp quá... ”. “Ừ trăng đẹp, trăng khi mô cũng đẹp nhưng sắp lặn mất rồi!”. Nói xong Nông mới biết rằng mình nói được một câu hay... Nông nói vậy mà sao Nguyệt vẫn im lặng, chẳng như hôm nào Nguyệt sẽ bảo “rồi trăng sẽ sáng ở phía bên tê”. Nếu Nguyệt bảo thế thì Nông sẽ nói rằng như thế anh sẽ không còn được ngắm nữa. Nhưng Nguyệt không nói. Mắt Nguyệt vời vợi, xa xăm...
Từ buổi đó Nguyệt thường thoáng buồn mỗi khi gặp nhau. Nguyệt cười cũng buồn, Nguyệt nói cũng buồn... Ánh mắt Nguyệt vời vợi hoang vắng... Nông hỏi sao em không vui, Nguyệt nói không biết răng em cứ thấy lo cứ thấy sợ... Có hôm hai đứa cứ ngồi yên lặng mãi rồi đột nhiên Nguyệt nói, có lẽ em sẽ phải bỏ học thôi... Nông hỏi vì răng thì Nguyệt trả lời không biết... Có điều gì đó đang làm Nguyệt lo lắng, hốt hoảng. Nông hỏi, Nguyệt không nói mà chỉ ôm ghì cánh tay Nông, toàn thân rung nhè nhẹ. Cứ thế, cho đến lúc sương xuống ướt cả đầu ướt cả vai...
Nông được lệnh nhập ngũ sau đó ba ngày, ấy là cái hôm tôi đã gặp Nông xách rương về. Rồi Nông lên trường để chia tay Nguyệt. Đêm cuối cùng ở cái làng ấy, cũng là một đêm trăng, vừa lên tới nơi Nguyệt lao đến ôm chầm rồi dụi đầu vào ngực Nông, người rung bần bật. Nông cũng rung lên, bất chợt nhận ra điều mà bấy nay Nguyệt linh cảm và lo sợ. Nguyệt run lẩy bẩy:
“Anh ơi, anh... ”. “Nguyệt đừng lo..anh đi rồi anh lại về... ”. “ Em sợ anh chết, chiến trường bom đạn như rứa... ”. “Anh không chết được! Em coi, bây dừ có ai yêu mà được ở bên nhau?”.
Trăng mười bốn sắp tròn và rất sáng, mắt Nguyệt ánh lên vẻ tuyệt vọng và đau đớn. Nông nói vui: “Hôm nay anh được thấy trăng đẹp trước khi đi”. “Nhưng chỉ đẹp được mấy bữa nữa thôi...  rồi thì sẽ lặn..”. “Nguyệt nói chi rứa?” Nông hốt hoảng. “Không! Em không buồn nữa, và anh cũng đừng buồn... ”
Lá thư đầu tiên Nguyệt gửi Nông mãi mới đây mới tới tay Nông. Vậy là lá thư của tình yêu và sự thương nhớ tôi đã được đọc hôm kia đã phải vòng vèo đến gần bảy tháng trời. Lúc này thì nó đang nằm trong túi ngực Nông mà Nguyệt đâu còn... Lúc nửa chiều khi chưa gặp cậu em, khi biết sắp tới sông Bến Hải Nông đã cười bảo rằng, chuyến ni về Nguyệt mừng phải biết... Hóa ra thơ ca có cái hay nhưng cũng có cái không hay... Thấy tôi có vẻ không hiểu Nông nói. Trong sổ tay của Nguyệt dạo đó có chép bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan... Tôi bảo mình cũng có biết bài thơ ấy. Bài thơ có câu  “ Lấy chồng thơi chiến chinh. Mấy người đi trở lại... ”. Hóa ra là như vậy. Nhưng mi không chết... Cô nàng tha hồ mừng. Nông vẫn im lặng. Tôi nghĩ Nông đang sống trong cảnh hai người gặp lại nhau... Yêu Nông, Nguyệt mẫn cảm đến thế. Nguyệt sợ Nông sẽ không trở về, Nguyệt sợ Nông chết... Trái tim yếu mềm của người con gái trong Nguyệt đã run rẩy quá sớm. Ra đi Nông bảo đâu có nghĩ đến sống chết. Khốn một nỗi khi người con gái đã yêu thì... Nông đã xác định, dù có chết cũng không ngại. Mà Nông có chết đâu. Nông đã chiến đấu dũng cảm, đã có thành tích...
Thế mà Nguyệt lại chết. Cái làng đẹp như tranh ấy,cái nơi còn ín dấu bao kỷ niệm của hai người lại chính là nơi Nguyệt ngã xuống... Nông ơi, tau thương mi... Tôi thầm kêu lên thành tiếng trong đêm.
- Nông ơi... ngủ rồi à?
Bên võng Nông vẫn tiếng ngáy nhè nhẹ... Vậy là Nông đã ngủ. Nghe cái tin khủng khiếp như vậy sao Nông chẳng nói gì mà bây giờ lại ngủ được. Nỗi đau, sự mất mát đến quá đột ngột đã làm lòng Nông đông cứng rồi chăng?.  Suốt từ lúc lên võng tới giờ cậu ta không hề mở miệng. Nhìn sắc mặt tái mét thất thần và ánh mắt âm u lúc chiều tôi cũng đã cảm thấy lạnh người...  Lúc này thì Nông đã ngủ, thế là tốt rồi. Thời gian sẽ làm cho nỗi đau của Nông nguôi ngoai dần. Có lẽ đã khuya lắm, và mảnh trăng đầu tháng mảnh mai và lạnh lẽo đã lặn từ lúc nào. Núi rừng lúc này đã chìm trong sương đêm mờ ảo...
Đang mê mệt, nghe động tôi choàng dậy, ngơ ngác chộp súng...  Vừa rồi tiếng Nông ú ớ thì phải. Nông vừa nói gì đó...  Nông vừa nhắc đến Nguyệt. Ngó sang võng Nông, không còn người, chỉ có tấm chăn mỏng bị tung ra và màn cũng đã hất sang một bên đang lờ mờ trong sương. Nông đâu rồi, hắn đi đâu?  Tiếng gọi của Nông to rõ và rành rọt, vừa mới đây... Trời không trăng không sao, màn đêm mờ đục, lại thêm sương buông dày khiến cảnh vật cứ bồng bềnh bồng bềnh... Chung quanh chỉ màn sương mờ ảo, sườn đồi tối đen. Một vệt sáng mờ xa tít...  Nông đi đâu? Tôi quờ chân xỏ dép vén màn bước xuống rồi xách súng bước hẳn ra bìa rừng. Một bóng người nhòe nhoẹt ở quảng giữa đồi sim, chắc là Nông rồi.
 Tôi vội vã đuổi theo, cỏ dưới chân đẫm sương, dép trơn trượt... - Nông ơi, Nông... tôi kêu lên khe khẽ trong cổ họng. Trời tối, chẳng rõ đường, tôi không thể đi nhanh mà Nông thì vẫn bước như bước giữa ban ngày. Tôi dò dẫm bước theo cái bóng lờ mờ dưới kia. Cho mãi tới lúc xuống đến mép cái khe cạn ngổn ngang những khối đá đen ngòm dưới chân đồi tôi mới theo kịp. Tôi túm vai Nông:
- Đi mô rứa?
- Nguyệt ở đây! Nguyệt vô đây! Và cả trăng nữa, trăng sáng quá... Mắt Nông cứ dõi mãi về một nơi nào đó trong mịt mù màn đêm, nói dứt khoát, giọng ráo hoảnh:
-  Nguyệt gọi tau ra...
-  Nguyệt mô, trăng mô? Bữa ni làm chi có trăng? Tôi giật mình.
- Trăng đó... Nông đưa tay chỉ lên lưng chừng trời... Mi không thấy à? Để tau đi. Nguyệt đang ở đây...
Mắt Nông sáng rực, khuôn mặt như được phủ một lớp ánh trong suốt và toàn thân run lên lẩy bẩy...
Tôi hoảng sợ, cảm nhận hồn vía Nông lúc này đã lìa xa thân xác. Nông đã nhìn thấy một vầng trăng từ phía bên kia hay đang có một vầng trăng vành vạnh trong Nông? Vũ trụ bao la vô thủy vô chung sao Nông có thể thấy được những điều không ai thấy. Dưới vòm trời đêm thăm thẳm, tôi và Nông, một kẻ thực một kẻ mơ đang chìm dưới đáy một đại dương đầy bóng tối nhưng những điều trông thấy được của mỗi người lại hoàn toàn trái ngược nhau. Đêm nay không hề một tiếng máy bay, không hề có một tiếng nổ, cứ như chiến tranh chưa hề xảy ra với mảnh đất này... Tôi ôm ghì lấy hai vai Nông: - Quay lại đi, khuya lắm rồi... Nông ngoảnh mặt lại nhìn tôi, mắt ngơ ngác..
Mãi tới nhiều năm sau tôi vẫn không sao quên được ánh mắt của Nông đêm đó, ánh mắt như là một thứ ánh sáng khác lạ, nó lung linh thăm thẳm, nó run rẩy thất thần, nó có cái gì đó như không phải của con người... Lúc đó tôi đã cố gắng mới dìu được Nông đi ngược lên. Khi hai đứa trở về võng thì Nông vẫn cả quyết rằng vừa trông thấy trăng. Trăng rất tròn, rất trong và rất sáng. Và cả Nguyệt nữa. Nông nói Nguyệt đã vào tận đây tìm Nông, cứ như từ trong trăng mà bước ra vậy...
Tôi dỗ mãi Nông mới chịu lên võng. Độ được mười phút thì tôi nghe tiếng hức hức, không phải tiếng khóc, có lẽ nỗi đau từ tâm can lên tiếng đó thôi...
Sáng hôm sau, tỉnh dậy Nông gấp tăng võng với vẻ mặt bình thản như không hề có sự kiện tối qua. Nông nhìn tôi nói, giọng dứt khoát mình không ra nữa... . Nghĩ là mình nghe nhầm, tôi hỏi mi nói răng? Tau không ra nữa!. Nông nhắc lại bình thản. Tôi vẫn nghĩ là Nông đùa. Hai đứa mang ba lô về chỗ tập trung, đến chỗ đã gặp cậu em thì Nông dừng lại nói nhớ đến thăm bố mẹ tau. Chỉ có thế! Nói xong Nông nhằm khu rừng bên kia suối, nơi đơn vị cậu em đang tập hợp để đi vào, phăm phăm bước./.
Vĩ thanh:
Vậy là chỉ có tôi theo đoàn trở ra Bắc. Học xong khóa hạ sĩ quan tôi được giữ lại làm cán bộ khung, phải gần một năm sau mới có dịp về làng và sang nhà Nông thì… ôi thôi, Nông đã hy sinh! Nông ngã xuống sau hôm hai đứa chia tay có mấy ngày.   
Tháng 8 năm 2010

Nguồn : nguoikechuyen.name.vn